Hội đồng của WTO phán quyết rằng Mỹ vi phạm quy tắc thương mại khi áp thuế hàng hóa Trung Quốc, khiến Trump đe dọa có hành động đáp trả.
Trung Quốc năm 2018 nộp khiếu nại yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) giải quyết tranh chấp với Mỹ liên quan đến việc chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định đánh thuế hơn 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc năm 2018, dẫn tới chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tháng 1 năm ngoái thành lập hội đồng gồm ba chuyên gia thương mại để xem xét khiếu nại của Trung Quốc. Ngày 15/9, hội đồng này ra phán quyết rằng một số mức thuế chính quyền Trump áp với hàng hóa Trung Quốc vi phạm luật thương mại quốc tế.
Theo WTO, các quốc gia có một số lý do hạn chế để có thể áp thuế gây ảnh hưởng tới một quốc gia khác. Hội đồng của tổ chức quốc tế này đã ủng hộ lập luận của Trung Quốc rằng các đòn áp thuế của Mỹ nằm ngoài các lý do trên.
“Trung Quốc đã chứng minh được rằng thuế bổ sung chỉ áp dụng với sản phẩm Trung Quốc và theo đó đánh mất lợi thế của hàng hóa Trung Quốc so với các sản phẩm tương tự của các thành viên khác trong WTO”, hội đồng này cho biết.
Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng phán quyết của WTO là “công bằng và khách quan”, đồng thời hy vọng Mỹ sẽ tuân thủ.
Tuy nhiên, động thái này lại làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và WTO. Không lâu sau phán quyết mới của WTO, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ xem xét hành động với tổ chức quốc tế này.
“Chúng ta sẽ phải làm gì đó với WTO vì họ đã để Trung Quốc thoát tội. Chúng tôi sẽ xem xét điều đó. Tôi không phải người hâm mộ của WTO, đó là điều tôi có thể nói ngay bây giờ. Có lẽ họ nên thôi chọc tức chúng ta”, Trump nói ngày 15/9.
Hiện chưa rõ Trump dự định làm gì với WTO, nhưng ông chủ Nhà Trắng từng nhiều lần dọa rút khỏi tổ chức, vì cho rằng Mỹ bị gây khó dễ trong nhiều năm qua. Trump chỉ trích những điều khoản WTO dành cho Trung Quốc khi họ gia nhập tổ chức, cáo buộc Bắc Kinh có hành vi đánh cắp công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ từng nhiều lần giành chiến thắng trong các tranh chấp thương mại nhờ WTO.
Đại diện Văn phòng Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, cố vấn thương mại hàng đầu của Trump, đã chỉ trích phán quyết của WTO, đồng thời nói nó đã cho thấy rõ hơn vấn đề của tổ chức này.
WTO được thành lập năm 1995 và có trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ, có 164 thành viên và đảm nhận vai trò thiết lập các quy tắc thương mại toàn cầu. Chính quyền Trump nói rằng hệ thống này đã không thể thích ứng được với sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc.
“Báo cáo của hội đồng này đã xác nhận lại điều chính quyền Trump luôn nói suốt 4 năm qua. WTO hoàn toàn không đủ khả năng để ngăn chặn các hành vi công nghệ có hại của Trung Quốc”, ông Lighthizer tuyên bố.
Phán quyết này chỉ liên quan tới một số đòn áp thuế mà chính quyền Trump tung ra trong cuộc chiến thương mại dai dẳng với Trung Quốc, gồm 34 tỷ USD hàng hóa hồi tháng 6/2018 và khoảng 200 tỷ hồi tháng 9/2018. Mỹ đã ban hành nhiều đợt áp thuế khác nhau với tổng cộng khoảng 370 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc.
“Dù hội đồng không bác bỏ bằng chứng mà Mỹ đệ trình về hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc, quyết định này cho thấy WTO không đưa biện pháp khắc phục nào cho các hành vi sai trái đó”, ông Lighthizer nói. “Mỹ phải được phép bảo vệ chính mình trước các hành vi thương mại không công bằng và chính quyền Trump cũng không thể Trung Quốc lợi dụng doanh nghiệp, công nhân, nông dân và các chủ trang trại Mỹ thông qua WTO”.
Tổ chức Thương mại Thế giới đã đối mặt với chỉ trích của giới chức Mỹ từ nhiều năm nay. Trump và quan chức thương mại hàng đầu của ông đã cáo buộc WTO cho phép Trung Quốc lợi dụng các quy tắc của mình để gây tổn hại cho các nền kinh tế cởi mở hơn.
“Phán quyết của WTO cho thấy bộ máy quan liêu ở Geneva không muốn Mỹ bảo vệ lợi ích an ninh kinh tế và quốc gia của mình”, Michael Stumo, chủ tịch Liên minh vì nước Mỹ Thịnh vượng, tổ chức thương mại ở Washington ủng hộ hành động cứng rắn với Trung Quốc, nói. Stumo còn cho rằng WTO đang đánh mất vị thế của mình khi bảo vệ mô hình kinh tế của Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley trong bài đăng Twitter nói rằng phán quyết là “bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy WTO đã lỗi thời, cứng nhắc và nhìn chung không tốt cho Mỹ. Mỹ nên rút khỏi tổ chức và dẫn đầu nỗ lực xóa bỏ nó”.
Ông Lighthizer thậm chí đã chỉ trích tổ chức này ngay từ khi thành lập, xem đây là “mối đe dọa chủ quyền” và điểm nóng của thuyết “tư pháp tích cực” vốn đã cản trở nỗ lực của Mỹ chống lại các đối thủ kinh tế, đặc biệt từ khi Trung Quốc gia nhập tổ chức này năm 2001.
Lighthizer và nhiều nhà phản đối WTO khác nói rằng tổ chức này chưa từng giải quyết vấn đề nhà nước Trung Quốc tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa và áp đặt các hàng rào luật lệ, quy định với đối thủ cạnh tranh nước ngoài.
Họ cũng cho rằng việc để Trung Quốc gia nhập WTO là một sai lầm, dẫn tới sự trỗi dậy quá nhanh của kinh tế Trung Quốc và gây mất cân bằng thương mại thế giới nghiêm trọng.
Trong khi đó, giới chức Trung Quốc luôn khẳng định nước này tuân thủ nguyên tắc của WTO và tôn trọng WTO như nền tảng của hệ thống thương mại quốc tế.