9 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có văn bản xin trả lại 6.338 tỷ đồng vốn đầu tư công để điều chuyển cho nơi khác.
Ngày 21/8, Thủ tướng chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Đây là hội nghị lần thứ 2 được Chính phủ tổ chức kể từ tháng 7 nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công.
Tại cuộc họp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, cơ quan này nhận được văn bản đề nghị từ một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xin chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chuyển cho nơi khác, với tổng số 6.338 tỷ đồng. Trong số này, vốn trong nước 341,6 tỷ đồng và vốn nước ngoài gần 5.996,5 tỷ đồng.
Với gần 6.400 tỷ đồng vốn xin trả lại này, riêng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn chiếm 1.808 tỷ đồng với lý do “không có nhu cầu sử dụng”. Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính trước đây, cơ quan này cho biết, năm 2020 Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn 3.638 tỷ đồng vốn nước ngoài, nhưng nhu cầu sử dụng thực tế các dự án chỉ 1.830 tỷ đồng. Vì thế, bộ đã có 3 văn bản đề nghị xin được điều chuyển số vốn còn lại không dùng tới.
Ngoài ra, danh sách xin trả vốn còn có 8 bộ, cơ quan Trung ương gồm Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Cùng 9 địa phương là Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và Thành phố Cần Thơ cũng xin chuyển trả lại kế hoạch để điều chuyển cho đơn vị khác.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng nhận được đề xuất bổ sung kế hoạch vốn ngân sách năm 2020 của 7 bộ, cơ quan Trung ương và 31 địa phương với tổng vốn 13.509 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, hiện phần lớn các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã có phương án phân bổ vốn ngân sách năm nay, nhưng chỉ hơn một nửa trong số này giao chi tiết 100% kế hoạch vốn dự án. Số còn lại mới phân giao chi tiết 90% kế hoạch vốn dự án.
Đến cuối tháng 7, tổng vốn ngân sách đã giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân khoảng 455.491 tỷ đồng, đạt hơn 95% kế hoạch vốn đầu tư Thủ tướng giao (477.573 tỷ đồng).
Về giải ngân vốn đầu tư công, lũy kế đến hết tháng 7 đạt 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng giao (không bao gồm vốn kéo dài từ các năm trước sang). Con số này dự kiến tăng lên 221.768 tỷ đồng vào cuối tháng 8, đạt 47% kế hoạch.
Có 5 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%. Tuy nhiên, có 29 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó, có 15 bộ, cơ quan Trung ương và một địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15%.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công là chủ trương quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ việc này.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đặt vấn đề về tiến độ giải ngân vốn với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xây dựng nông thôn mới, và một số dự án công trình quan trọng như dự án đường cao tốc Bắc – Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ…
Nhắc lại quyết tâm giải ngân hết số vốn 630.000 tỷ đồng năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, hàng tháng sẽ họp để kiểm điểm, đốc thúc việc giải ngân ở từng bộ, ngành, địa phương.
“Không thể nói mà không làm, không thể có tiền mà không tiêu được. Chính phủ cương quyết có chế tài xử lý những đơn vị không giải ngân hết vốn đầu tư công”, Thủ tướng nói.
Liên quan đến các đơn vị hiện mới giải ngân đạt 15%, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương này phải “nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chỉnh và giải ngân hết số vốn đầu tư còn lại của năm 2020, khoảng 350.000 tỷ đồng”.
Thủ tướng cũng lưu ý, giải ngân cần quyết liệt, kịp thời nhưng phải bảo đảm chất lượng, chống tham nhũng, tiêu cực; không để xảy ra tình trạng thanh toán khối lượng khống, làm xấu, làm ẩu, bỏ qua quy trình kỹ thuật, gây hậu quả nghiêm trọng.
Với các dự án đã hoàn thành, ông đề nghị đẩy nhanh công tác quyết toán, không để dồn lại cuối năm. Còn dự án khởi công mới, cần khẩn trương lập hồ sơ thiết kế và dự toán, phê duyệt, lựa chọn nhà thầu, sớm thi công.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ là đầu mối đôn đốc và kiểm tra, giám sát những khó khăn cũng như xử lý những cán bộ, tổ chức làm chậm hoặc có hành vi tiêu cực.